Sáng ngày 16/02/2016, Khoa Kinh tế Chính trị tổ chức chuyến du xuân đến thăm những ngôi chùa nổi tiếng ở Bắc Ninh. Dẫn đầu đoàn là Chủ nhiệm Khoa KTCT – PGS.TS Phạm Văn Dũng cùng toàn thể các cán bộ khoa KTCT.
Chuyến đi thăm quan các ngôi chùa và đền nổi tiếng của Bắc Ninh: Chùa Dâu, Chùa Keo, Chùa Bút Tháp, Chùa Phật Tích, Đền Đô.
Đến với Chùa Dâu, còn có tên là Diên Ứng, Pháp Vân , hay Cổ Châu, là một ngôi chùa nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30 km. Chùa còn được người dân gọi với những tên gọi khác nhau như chùa Cả, Cổ Châu tự, Duyên ứng tự. Đây là ngôi chùa được đánh giá là xưa nhất Việt Nam.
Chùa Bút Tháp (Ninh Phúc tự) nằm ở bên đê sông Đuống, thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ngoài ra, nhân dân trong vùng còn gọi là chùa Nhạn Tháp. Trong chùa có tượng Bồ tát Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng gỗ lớn nhất Lịch sử Việt Nam.
Chùa Phật Tích (Phật Tích tự) còn gọi là chùa Vạn Phúc (Vạn Phúc tự) là một ngôi chùa nằm ở sườn phía Nam núi Phật Tích (còn gọi núi Lạn Kha, non Tiên), xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Trong chùa có tượng đức Phật bằng đá thời nhà Lý lớn nhất Việt Nam.
Đền Đô - còn gọi là Cổ Pháp Điện hay đền Lý Bát Đế, đền được xây dựng vào thế kỷ 11 (1030), trên khu đất phía đông nam Hương Cổ Pháp, Châu Cổ Pháp (làng Đình Bảng). Khu đất này theo Thiền sư Lý Vạn Hạnh cho rằng nơi hội tụ của thiên khí, nơi có thế 8 đầu rồng chầu về. Tương truyền, xưa kia phía trước cửa đền là một khu rừng Báng, có dòng Tiêu Tương uốn khúc chảy qua.
Khi vua Lý Công Uẩn băng hà (1028), Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha, Ông đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự vua cha và cũng từ đó đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý sau khi băng hà.Đền được dựng trên nền đất. Khi vua Lý Công Uẩn đăng quang và trở lại thăm quê hương vào tháng 2 năm Canh Tuất (1010), tại đây, nhà vua đã dừng thuyền rồng để đi thăm các bậc kỳ lão, yết lăng Thái Hậu và đo vài mươi dặm đất làm “Sơn Lăng cấm địa”. Dân làng Đình Bảng đã xây dựng một ngôi nhà lớn làm nơi nghênh tiếp nhà vua.
Sau khi đi thăm quan các ngôi chùa, đền tại Bắc Ninh, khoa Kinh tế đã hiểu thêm về lịch sử của các ngôi chùa ở Bắc Ninh nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Kết thúc chuyến du xuân là bữa cơm thân mật của các cán bộ trong khoa và kính chúc khoa Kinh tế Chính trị sẽ có một năm Vạn sự như ý!